Thứ tư, 12.12.2012 15:05 Dự án Cầu Nhật Tân – Hà Nội, có giá trị lớn về kinh tế - xã hội, cảnh quan - mỹ thuật đô thị, lịch sử cho con cháu mai sau. Vậy mà vì lợi ích của một doanh nghiệp mà điều chỉnh quy hoạch, đẩy 200 hộ dân với hơn 1000 nhân khẩu vào cảnh cơ cực Trong mấy tuần qua, từng đoàn – từng đoàn nhân dân ở Phú Thượng - Tây Hồ - Hà Nội (đa số là gia đình cựu chiến binh và quân dân), thay nhau đến Văn phòng Luật sư Vì Dân nhờ tư vấn, giúp đỡ dân khiếu nại, tố cáo về những sai phạm trong dự án Cầu Nhật Tân; vì lợi ích của một doanh nghiệp, của một nhóm người mà bỏ qua các quy định của pháp luật, không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng, ngang nhiên điều chỉnh quy hoạch đưa gần 200 hộ gia đình trở thành nạn nhân. Họ cứ ngồi, cứ chờ mong sao được gặp trực tiếp luật sư Trần Đình Triển; trước tình cảnh quyền lợi của Nhà nước và nhân dân bị xâm hại nghiêm trọng (mặc dù quyền hạn của Luật sư, Văn phòng luật sư vô cùng hạn chế), không ai có thể ngồi yên được; Văn phòng Luật sư Vì Dân có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, góp thêm tiếng nói cùng người dân để bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ Đảng và Nhà nước,... đi từ những vụ việc cụ thể, bằng chứng cụ thể như thế này. Hai Long
Kính gửi: - Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng cộng sản VN; - Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước; - Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ; - Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội; - Ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Văn phòng Luật sư Vì Dân, nhận tư vấn pháp luật cho gần 200 hộ dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c, Phú Thượng, Tây Hồ - Hà Nội; khiếu nại, tố cáo về những việc sai trái trong quá trình triển khai, thực hiện, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại Cầu Nhật Tân – Hà Nội; không thực hiện đúng pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm sai quy hoạch,... gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đưa gần 200 hộ gia đình với hàng ngàn nhân khẩu vào tình cảnh mất nhà, mất đất, cuộc sống khó khăn. Vụ việc này đã gây nên sự “chống” nhưng không “đối”, bức xúc của người dân khiếu tố, khiếu nại lên các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước; tạo nên sự mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền địa phương với nhân dân tại đây. Ông Đỗ Mười (nguyên Tổng Bí thư của Đảng) cũng đã có ý kiến gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể các hộ dân ngày 03/12/2012; ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TW, Trưởng ban 6/2 của Đảng) cũng đã có văn bản gửi ông Vũ Đức Đam - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngày 26/11/2012 trên đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xem xét thực tế, tiếp xúc với các hộ dân, căn cứ quy định của pháp luật,... Chúng tôi thấy rằng: việc triển khai thực hiện dự án Cầu Nhật Tân có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật và vì lợi ích nhóm; gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của gần 200 hộ dân tại đây; cụ thể là: Thứ nhất: Những dấu hiệu vi phạm pháp luật: 1/ Dự án đầu tư xây dựng Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đã được xác định tại quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998; như vậy, muốn thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân thì phải được Hội đồng Nhân dân Thành phố chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tự mình thay đổi quy hoạch, kiến trúc cầu Nhật Tân là không đúng pháp luật; 2/ Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 5251/TTr-BGTVT ngày 25/8/2005 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số: 76 BKH/ĐT&GSĐT ngày 05/1/2006; Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo số: 128/TTg-CN ngày 19/1/2006. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã không chấp hành ý kiến của Thủ tướng, thể hiện là: 2.1/ Dự án Cầu và đường hai đầu cầu đã bị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải thay đổi mà không xin ý kiến Thủ tướng, được thể hiện tại văn bản số: 3453/UBND-XDĐT ngày 08/8/2006 (do ông Đỗ Hoàng Ân – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký): “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào các khu đất đã được UBND Thành phố giao thực hiện các dự án: Khu đất D1, D3 thuộc khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng và phường Xuân La, quận Tây Hồ, khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị hiện đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Đây là hành vi đủ căn cứ khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm hình sự, vì: Để bảo vệ lợi ích của một doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại khu đất này, mà thay đổi thiết kế đưa Đường đầu cầu nắn vào nhà dân, buộc gần 200 hộ dân bị giải tỏa đi vào cuộc sống cùng cực. Hành vi đó làm thay đổi quy hoạch cầu Nhật Tân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ thuật hàng trăm năm sau mà con cháu phải gánh chịu, làm thiệt hại đến lợi ích nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân; 2.2/ Không thực hiện ý kiến của Thủ tướng, lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt 2.3/ Không lấy ý kiến của giới chuyên môn và ý kiến của nhân dân như chỉ đạo của Thủ tướng. Việc này, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội lại được hợp thức hóa bởi việc giao cho Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải họp với một số cá nhân (21 người) đại diện cho một số Cơ quan mà về cơ bản không đúng thành phần và Hội Kiến trúc; họp một số người dân (các việc này đều có trước khi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ); nội dung cuộc họp đều không đi đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng; mặc dù các ý kiến này không đúng quy định về hình thức, thành phần, thời gian, ... Nhưng cũng có một số ý kiến rất xác đáng đều bị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội không xem xét. Thứ hai: Những dấu hiệu làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và quyền lợi chính đáng của các hộ dân: - Việc điều chỉnh đất Đường đầu cầu né tránh đất của doanh nghiệp và một số cá nhân đã mua biệt thự tại đó, để chỉnh đường sang giải tỏa gần 200 hộ dân như đã nêu trên. Đồng thời không giải quyết cấp đất tái định cư cho các hộ dân, đẩy nhân dân lên căn hộ nhà chung cư, việc bồi thường, giải tỏa, cưỡng chế có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: Giá đất, tài sản trên đất, diện tích đất, xác định thành phần hộ gia đình trong một nhà ở, chính sách đối với người có công với nước (xin lưu ý khu đất này nguyên là của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân cấp cho các gia đình quân nhân sinh sống tại đây), việc áp dụng chính sách tái định cư thiếu công bằng (cùng điều kiện như nhau nhưng có hộ gia đình được 2 căn tái định cư, có hộ gia đình chỉ được 1 căn tái định cư); không cấp đất tái định cư cho dân, ngược lại lấy đât bán đấu giá để thu tiền; - Việc cưỡng chế thu hồi đất, thông báo cho dân không đúng quy định, sử dụng lực lượng công an và quân đội để cưỡng chế, một số đối tượng chưa rõ thành phần, mặc thường phục đánh đập dân (có băng video); - Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường đang khiếu nại, tố cáo chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của cấp có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án mà phá dỡ nhà dân, đẩy dân sống cảnh “màn trời chiếu đất” là vi phạm nghiêm trọng Luật Nhà ở. Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin đề nghị các cấp có thẩm quyền: Một là: Thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo với thành phần: Thanh tra Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,... tiến hành thanh tra toàn diện dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, để làm sáng tỏ việc đúng – sai. Hai là: Giữ nguyên hiện trạng đất ở và nhà ở của nhân dân tại tổ 47b,c,d cụm 7c Phú Thượng, Tây Hồ - Hà Nội, điều chỉnh dự án trở về như cũ thuộc phần đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị. Nếu các hộ dân bị giải tỏa thì áp dụng chính sách tái định cư, cấp đất ở cho dân và bồi thường đúng pháp luật, bình đẳng, công bằng, đảm bảo đời sống cho nhân dân hiện tại và mai sau. Ba là: Đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật như đã nêu trên, cần phải khởi tố vụ án, xem xét trách nhiệm hình sự của những người làm sai (cho dù người đó là ai), nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân; trừng trị, phòng ngừa và giáo dục chung những người lợi dụng chức quyền và vì lợi ích nhóm mà ngang nhiên chà đạp lên pháp luật. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin yêu của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Xin cảm ơn và gửi lời chào trân trọng./.
(Xin kèm theo một số tài liệu)
------------------------------------------------------------
Quy hoạch dự án cầu Nhật Tân: Nắn để tránh doanh nghiệp và biệt thựHàng trăm hộ dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội bức xúc gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu tới khắp các cơ quan chức năng phản ánh một nghịch lý trong việc triển khai dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn lên cầu.
Từ việc nắn quy hoạch để doanh nghiệp và nhà giàu hưởng lợi, còn ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng chỉ để làm vườn hoa và đảo cỏ, trong khi hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu bỗng chốc mất đất, mất nhà... Lợi ích nhóm điều chỉnh cả quy hoạch Cầu Nhật Tân - một dự án giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội - được Thủ tướng cho phép đầu tư vào đầu năm 2006. Theo văn bản 128 của Thủ tướng Chính phủ thì “Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, bảo đảm chất lượng công trình và mỹ quan đô thị”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tổ 47B, 47C, 47D phường Phú Thượng - những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án - thì chẳng những các cơ quan không lấy ý kiến người dân, mà việc quyết định phương án đầu tư xây dựng đường dẫn lên cầu là điển hình cho sự lãng phí. Hàng trăm hộ dân bỗng chốc mất đất mất nhà, ngân sách nhà nước phải dành hơn nghìn tỉ chỉ để làm đảo cỏ, vườn hoa, trong khi Nhà nước đang phải tiết kiệm từng đồng vốn, cắt giảm đầu tư công.
Theo văn bản trả lời của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 20.10.2011 thì quá trình thiết kế nút giao thông Phú Thượng, tư vấn dự án đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của nút cho phù hợp với hiện trạng quy hoạch, trong đó phương án dạng nút hoa thị được giữ nguyên và phạm vi nút giao vẫn đảm bảo nằm trong phạm vi quy hoạch có bán kính 300m. Tuy nhiên, theo người dân thì bản chất quy hoạch nút này đã được điều chỉnh theo lợi ích nhóm. Bằng chứng hiện hữu mà người dân đưa ra là trong quá trình thực hiện quy hoạch, ngày 8.8.2006, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị: “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao thông đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất thuộc dự án khu biệt thự Vườn Đào lô D1, D3 và khu đất của Cty xây dựng giao thông đô thị đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Ngay sau đó, việc điều chỉnh này được thực hiện. Tránh đất biệt thự, lấy đất dân thường Theo lãnh đạo Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân (thuộc Ban quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải) thì nếu không điều chỉnh chỉ giới đường đỏ thì đường dẫn vòng nút giao thông theo vành hoa thị sẽ cắt ngang lô đất khu đô thị Vườn Đào, lô D1, D3 và khu đất của Cty xây dựng giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội. Dẫn chúng tôi đi thị sát khu vực này, những người dân tổ 47B, C, D không khỏi bức xúc ngậm ngùi. Toàn bộ khu D1, D3 là khu đất đấu giá dành cho đại gia với các biệt thự sang trọng có giá hàng triệu USD và khu dự án tổ hợp văn phòng khách sạn, chung cư cao cấp cao 18 tầng thì được TP.Hà Nội đề nghị và được điều chỉnh nắn quy hoạch đưa ra ngoài, còn gần 200 hộ dân - những người chắt chiu cả đời mới tậu được mảnh đất, sinh sống ổn định từ những năm 1990 - thì bị đẩy vào quy hoạch, buộc phải giải phóng mặt bằng để làm đảo cỏ, vườn hoa.
Cũng theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải thì việc điều chỉnh và giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân là để tránh cho họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung trong quá trình thi công, vận hành... Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Thúy - Tổ trưởng tổ dân phố 47C - thì lý giải trên là không có cơ sở. “Về nguyên lý, các hộ ở hai bên tuyến đường dẫn đều chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi như nhau, tuy nhiên các cơ quan chức năng nắn để các biệt thự khu D1, D3 và tòa nhà hỗn hợp ra bên ngoài thì không bị giải phóng, còn hộ dân thì bị giải phóng vì tiếng ồn và bụi. Chẳng lẽ người giàu và đại gia thì chịu được bụi và tiếng ồn lớn hơn dân nghèo” - tổ trưởng tổ dân phố 47C nói. Không chấp nhận những bất cập và nghịch lý trong quy hoạch, nắn quy hoạch theo lợi ích nhóm, bảo vệ đất doanh nghiệp, đất biệt thự của người giàu, các hộ dân nơi đây đã liên tiếp làm đơn thư gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đổi lại chỉ là sự trả lời lòng vòng, né tránh. Đó là chưa kể những quyền lợi chính đáng như bồi thường, giải phóng mặt bằng bất hợp lý, coi nhẹ tài sản chính đáng của nhân dân.
Lam Sơn - Việt Lâm Theo Báo Mới.Com (Công ty Cổ phần Công nghệ EPI.)
|
[Trở về] [Đầu trang]In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin mới khác:
» Dân ở Mỹ Đình khiếu nại – Công ty cổ phần TID của ai mà ưu ái thế? (19.12.2012)
» TIN NÓNG: Hơn 200 hộ kinh doanh tại chợ Vân Đình, huyện Ứng Hòa – Hà Nội đang kêu cứu khẩn cấp. (24.12.2012)
» Vụ chợ Vân Đình – chuyện chỉ có ở chính quyền huyện Ứng Hòa – Hà Nội (27.12.2012)
» Chưa giải quyết khiếu nại, huyện Bình Lục “nhanh tay” bán đất (06.01.2013)
» Lý do của tội phạm dã man qua góc nhìn luật sư (09.01.2013)
» “Gia đình bỏ rơi là nguyên nhân chủ yếu của tội phạm trẻ em’ (09.01.2013)
» Tội phạm & trách nhiệm của Nhà nước (09.01.2013)
» Tội phạm nảy sinh do 'vô trách nhiệm' (09.01.2013)
» Lại ''nóng'' kỳ thị vùng miền (09.01.2013)
» Ông Hoàng Hữu Phước có dấu hiệu vi phạm pháp luật' (20.02.2013)
Các tin khác:
» "Nghị định về xe chính chủ trái nguyên tắc lập pháp" (22.11.2012)
» Luật sư phân tích vụ tai nạn giao thông, kéo người 60m (16.11.2012)
» Vụ “khóa môi” nhà sư: Mr. Đàm có thể bị cấm diễn (09.11.2012)
» Cấm bất hợp lý dễ "đẩy" người dân mang hai quốc tịch (14.10.2012)
» Luật sư bóc mẽ các kỹ nghệ lừa đảo tinh vi của chủ đầu tư (10.10.2012)
» "Chủ đầu tư Splendora có dấu hiệu sai phạm, lừa đảo khách hàng" (10.10.2012)
» Tư dinh con Bí thư Hải Dương: "Chuyển 500m2 sang đất ở là trái luật" (29.05.2012)
» Tình tiết nghi chị Lý ngoại tình bị đưa vào cáo trạng (07.04.2012)
» Vụ xử Luyện: Án phúc thẩm chưa phải là hết ! (02.04.2012)
» Cần khống chế lợi nhuận cho phép của ngân hàng (01.03.2012)