Văn phòng luật sư Vì Dân

Trưởng văn phòng: Tiến sĩ – Luật sư TRẦN ĐÌNH TRIỂN

Trụ sở chính: Số 30, Ngõ 221, Tôn Đức Thắng, Hà Nội

Văn phòng: Số 78 Nguyễn Ngọc Doãn, Hà Nội

Hotline tư vấn: 0964.558.553

Trưởng văn phòng

Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển

Luật sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là một trong những luật sư hàng đầu tại Việt Nam. Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã tham gia giải quyết nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp và được đánh giá cao bởi cả khách hàng và các đồng nghiệp trong ngành luật.

Luật sư Trần Đình Triển: Vụ Hồ Duy Hải cần nhìn thẳng sự thật để phán quyết

Cần làm gì khi công ty không trả tiền lương?

Tiền lương là thước đo giá trị của sức lao động và phản ánh giá trị sức lao động con người lao động trong công ty. Người lao động có quyền được trả tiền lương xứng đáng với sức lao động và giá trị lao động của mình cho công ty và được nhận tiền lương đúng thời hạn đã thỏa thuận với công ty. Nhưng hiện nay, nhiều công ty cố tình né tránh, không trả tiền lương cho người lao động. Vậy trong trường hợp này, người lao động cần làm gì khi công ty không trả tiền lương?

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động năm 2019.
  • Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Tiền lương là gì?

Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, tiền lương là số tiền hợp pháp mà người lao động được nhận khi thực hiện công việc cho công ty. Tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động bởi:

  • Tiền lương là thước đo giá trị của sức lao động và phản ánh giá trị sức lao động.
  • Tiền lương sẽ giúp khôi phục lại sức lao động đã tiêu hao. Khi mà nguồn sống chủ yếu của người lao động và gia đình họ đến từ tiền lương thì tiền lương ít nhất phải đủ để người lao động bù đắp lại hao phí lao động đã bị tiêu hao trong quá trình làm việc.
  • Tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động mà còn phải có tác động kích thích người lao động làm việc có hiệu quả.
  • Tiền lương có thể được người lao động sử dụng để tích lũy, để dành. Việc tích lũy hay được hiểu là tiết kiệm một phần tiền lương là vấn đề cần thiết khách quan đối với người lao động đề phòng khi bắt trắc có thể xảy ra.

Công ty có bắt buộc phải trả lương cho người lao động?

Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nguyên tắc trả lương. Cụ thể quy định công ty bắt buộc trả lương cho người lao động trong các trường hợp như sau:

  • Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
  • Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu  lương vào việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
  • Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động:
  • Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
  • Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Như vậy, trừ các trường hợp có thể kéo dài không quá 30 ngày với một số điều kiện thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động nghỉ việc đúng luật trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Xử phạt hành vi không trả tiền lương của công ty

Phạt tiền

Công ty có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp công ty không trả tiền lương sau 14 ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 12/2022/NĐ- CP và Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định “mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty mức phạt sẽ gấp 2 lần”. Như vậy, mức phạt xử lý đối với trường hợp công ty không trả tiền lương cho người lao động sẽ cụ thể như sau:

  • Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động thì chịu hình thức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
  • Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động thì chịu hình thức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
  • Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động thì chịu hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  • Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động thì chịu hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
  • Đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên thì chịu hình thức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng…….

Biện pháp khắc phục hậu quả

  • Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định
  • Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định.

Người lao động cần làm gì khi công ty không trả tiền lương?

Căn cứ Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ CP quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể, người lao động có thể khiếu nại lên các cơ quan khi không được công ty trả tiền lương:

  • Khiếu nại lần đầu thì người lao động gửi đơn khiếu nại đến công ty để giải quyết. Trường hợp công ty không giải quyết hoặc có giải quyết những người lao động không đồng ý với cách giải quyết đó thì có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và xã hội.
  • Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động.

Như vậy, khi công ty không trả lương theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến thanh tra lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.

Vì vấn đề công ty không trả tiền lương cho người lao động là vấn đề vi phạm pháp luật và nảy dung ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nên ngoài phương thức khiếu nại, căn cứ theo Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

  • Hòa giải viên lao động
  • Hội đồng trọng tài lao động
  • Tòa án nhân dân

Như vậy, khi công ty không trả tiền lương theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật, người lao động có thể yêu cầu hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.

Thứ nhất, thông qua hòa giải viên lao động: người lao động gửi yêu cầu đến Hòa giải viên lao động.

Thứ hai, thông qua Hội đồng trọng tài lao động.

Trường hợp khiếu nại hoặc thông qua hòa giải viên mà người lao động vẫn chưa thỏa thuận đươc với người sử dụng lao động về vấn đề tiền lương thì người lao động có thể gửi yêu cầu giải quyết đến hội đồng trọng tài lao động. Tuy nhiên, thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong vụ tranh chấp này chỉ được xác lập khi có cả sự đồng ý của hai bên người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ ba, khởi kiện tại Tòa án.

Người lao động có thể xem có thuộc căn cứ Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động có thể khởi kiện ra tòa án nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của công ty – người sử dụng lao động xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khởi kiện tại tòa án.
  • Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.

Lưu ý:

Theo Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ- CP, người lao động cần lưu ý về thời hiệu khiếu nại. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi không trả tiền lương của công ty.

Nếu người lao động lựa chọn khởi kiện lên Tòa án thì cần xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Người lao động có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu công ty trả lương cho người lao động.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động, xin vui lòng liên hệ công ty Văn phòng luật sư Vì Dân để được hỗ trợ hiệu quả nhất.

Các bài viết liên quan